Quả quất, người miền nam gọi là trái tắc, biểu tượng mang may mắn trong những ngày đầu xuân và là thực phẩm giàu vitamin. Nhờ cách phát âm gần giống từ "cát" trong "cát tường" theo tiếng Quảng Đông, Trung Quốc, cây quất trở thành vật trang trí gắn liền với dịp Tết Nguyên đán, thể hiện ước mong của gia chủ về một năm mới tốt lành. Bên cạnh đó, quả quất còn là nguồn vitamin C và E dồi dào, thích hợp để làm món ăn nhẹ ngày xuân. Quả quất là nguồn vitamin C và E dồi dào, thích hợp để làm món ăn nhẹ ngày xuân. Ringo Chan Wing-hung, bếp trưởng khách sạn Four Seasons Hong Kong, rất yêu thích loại quả này. Bất cứ khi nào thấy chợ bán quất, anh đều mua về dù giống quả của Hong Kong chua và đắng. Cho tới gần đây, trải nghiệm với loại quất đến từ tỉnh Miyazaki thuộc vùng Kyushu, Nhật Bản, đã khai mở cho vị bếp trưởng những cảm hứng mới lạ. Quất Miyazaki được trồng trong nhà kính, quả phải ở trên cành đủ 210 ngày mới được thu hoạch. Giống quất này to hơn bình thường nhờ khí hậu ấm áp, theo anh Naohiko Fukada, từ Cục Nông nghiệp và Thủy sản Miyazaki. "Loại quất này ngọt, vỏ cũng mềm hơn và không có lấy chút vị đắng nào. Sau khi ăn xong một lúc, tôi vẫn cảm nhận được dư vị của nó", anh Chan chia sẻ. Bỏ hạt quất là việc mệt mỏi nhưng xứng đáng với công sức dành ra. Quất được anh sử dụng cho mọi món ăn trong dịp Tết, từ các món mặn như cá hồi sốt tartar vỏ quất, dăm bông ăn kèm với quất muối và bánh mì đen, cho đến các món ngọt như mứt và kem quất. Có thể nhưng món ngon này vượt ngoài khả năng nấu nướng của nhiều người, nhưng còn nhiều cách khác để thưởng thức quất như ăn trực tiếp, kết hợp với đồ uống hoặc thậm chí là cocktail. Fukada cho biết anh thích ăn quất mỗi ngày với salad hoặc trộn với sữa đậu nành, vì chất sắt có trong sữa và quả giúp cơ thể hấp thụ vitamin C tốt hơn. Quất thái lát thả vào tách trà đen hoặc trà gừng nóng, thêm một chút đường hay mật ong sẽ làm nên một thức uống dễ chịu. Một người nông dân thu hoạch quất ở Miyazaki, Nhật Bản. (Ảnh: South China Morning Post). Theo bà Cecilia Cheung Po-wan, bác sĩ y dược cổ truyền Trung Quốc, một người nên ăn từ 5 đến 6 quả quất mỗi ngày để cải thiện hệ hô hấp và nuôi dưỡng làn da. "Y học truyền thống cho rằng các thứ quả chua như quất có hiệu quả trị ho, tiêu đờm, sát khuẩn, giảm viêm", bác sĩ Cheung cho hay. Để xoa dịu cổ họng, bạn có thể áp dụng phương thuốc đơn giản bao gồm quất, mật ong hòa với nước nóng hoặc ăn quất ướp muối. Ngoài ra, quả quất còn chứa nhiều chất sơ tốt cho tiêu hóa: "Chúng tôi quan niệm quả quất có tính ấm, hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Bạn không nên ăn quá nhiều thực phẩm có tính hàn vì chúng sẽ làm chậm tuần hoàn máu", Cheung cho biết. Quất có thể ăn cùng với mạn việt quất hoặc mạch nha để cải thiện đường ruột, trong khi quất và nước ép lê lại là liều thuốc bổ phổi. Tuy nhiên, bác sĩ Cheung khuyến cáo người bệnh tiểu đường không nên ăn nhiều quất do quả chứa lượng đường cao. Nếu Tết này bạn mua một cây quất về trang trí, đừng bỏ phí thứ quả trời cho. Tại Hong Kong, người dân có truyền thống ướp quất với đường hoặc muối trong lọ thủy tinh. Sau một thời gian, nước quả sẽ chảy ra, tạo thành thứ nước sền sệt, màu nâu óng ánh. Bằng cách này, quất có thể được bảo quản trong thời gian rất dài. Chắt nước quất hòa cùng nước nóng là bạn đã có liều thuốc quý trị đau họng và giải cảm. Theo VNexpress