Thêm một loài thực vật bổ sung cho khoa học thế giới được phát hiện tại Vườn Quốc gia Vũ Quang - Hà Tĩnh vừa được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành Phytotaxa. Loài mới có tên Aristolochia vuquangensis (Mộc hương Vũ Quang) do nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phối hợp với Vườn Quốc qia Vũ Quang công bố. Vườn Quốc gia Vũ Quang được coi là mỏ loài mới của Việt Nam. (Ảnh: Huy Tùng) Đây là loài mới thứ 8 của phân chi Siphisia thuộc họ Mộc hương (Aristolochiaceae) được phát hiện và mô tả ở Việt Nam trong suốt 7 năm qua và là loài thứ 2 của phân chi này được phát hiện ở miền Trung Việt Nam. Riêng đối với loài Mộc hương Vũ Quang (A vuquangensis) nhóm nghiên cứu chỉ mới ghi nhận sự xuất hiện của chúng tại Vườn Quốc gia Vũ Quang với vùng phân bố rất hẹp khoảng 4km2 với số lượng rất ít ỏi tại khu vực tiếp giáp với biên giới Việt Nam – Lào. Mộc hương Vũ Quang (Aristolochia vuquangensis). (Ảnh: Nguyễn Việt Hùng) Loài mới này được mô tả dựa trên phân tích mẫu đã được thu thập trong suốt giai đoạn 2018-2020 tại Vườn Quốc qia Vũ Quang (Hà Tĩnh). Loài Mộc hương Vũ Quang (Aristolochia vuquangensis) được phân biệt với những loài khác cùng chi bởi những đặc trưng hình thái bên ngoài rất dị biệt của hoa như: Toàn bộ bên ngoài bao hoa có phủ nhiều lông, gốc bao hoa hình trứng thuôn, dài 1.1-1.5cm. Môi có 3 thùy hình bán nguyệt không đều nhau, thùy giữa cuộn lại ở mép và lớn hơn 2 thùy bên, lõm sâu ở giữa và 1/3 phía dưới mặt trong của phần ống môi có nhiều lông dính. Về hình thái lá cơ bản tương đồng với các loài khác trong chi với kích thước và hình dạng đặc trưng là hình trứng – ngọn giáo. Tạp chí Phytotaxa đăng tải công bố loài Mộc hương Vũ Quang cùng tên các thành viên của nhóm nghiên cứu. Loài Mộc hương Vũ Quang được nhóm nghiên cứu đệ trình lên tổ chức Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN cấp bảo tồn CR (cực kỳ nguy cấp) vì nhận thấy sự tồn tại của loài này sớm bị đe dọa bởi những yếu tố biến đổi khí hậu tại khu vực. Theo các nghiên cứu mới nhất thì hầu hết các loài thuộc họ Mộc hương (Aristolochiaceae) đều có giá trị rất cao về dược học và chữa bệnh, vì vậy thường bị khai thác, sử dụng quá mức dẫn đến cạn kiệt trong tự nhiên, một số loài bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng do vậy cần được ưu tiên bảo tồn. Các thành viên nhóm nghiên cứu. Theo Khoa Hoc