Nằm ở điểm cuối cùng của dãy Hoàng Liên Sơn, Vườn Quốc gia Xuân Sơn - thuộc huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ), là địa danh duy nhất trên cả nước có rừng nguyên sinh trên đá vôi và loài chuối kỳ lạ, độc đáo mang tên “cô đơn”. Sở dĩ loài chuối này có tên “cô đơn” bởi theo truyền thuyết mà những người già ở xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) kể lại thì: Ngày xưa, ở chốn rừng núi này có một đôi nam nữ chơi thân với nhau từ bé. Luôn ở bên nhau, tình yêu nảy sinh trong họ lúc nào không hay và ngày càng thắm thiết. Loài chuối này sinh trưởng trong rừng nguyên sinh trên đá vôi. Đôi nam nữ đã nguyện ước sẽ bên nhau tới đầu bạc răng long. Thế nhưng, khi sắp đến ngày cô gái về nhà chàng trai thì bố mẹ bắt cô phá vỡ lời thề vì họ phát hiện ra chàng trai bỗng dưng mắc căn bệnh lạ. Khi biết lý do người mình muốn sánh đôi không được bố mẹ chấp nhận, cô gái càng thương và yêu chàng trai hơn. Oái oăm thay, gia đình nhà trai thấy con mình bị nhà gái khước từ thì cũng tự ái và nhất quyết ngăn cản cuộc hôn nhân này. Vì rất yêu thương nhau nên hai người quyết định trốn lên rừng cùng nhau chung sống. Để tránh thú dữ, họ phải leo lên những hang đá cao ẩn nấp. Hiềm một nỗi, chỉ một thời gian ngắn sau đó, chàng trai bắt đầu phát bệnh nặng. Đau đớn và tự trách mình đã làm khổ người yêu nên sau khi tìm được nơi trú ẩn an toàn cho cô gái, vào một đêm khuya, chàng trai đã bỏ ra đi. Cây chuối cô đơn có chiều cao 4-5m, đường kính gốc rất lớn. Ngày qua đi, không thấy người yêu quay trở về, cô gái vô cùng lo lắng. Sau nhiều đêm mỏi mòn chờ đợi, cô gái quyết định đi tìm chàng trai. Cô đi mãi trong rừng mà tìm hoài không thấy. Một ngày, khi cô tìm xuống vực lấy nước thì phát hiện ra một thi thể. Hoảng hốt vì cảnh tượng kinh hoàng, cô gái càng đau đớn hơn khi nhận ra chiếc vòng đeo cổ của chàng trai. Cô hiểu ra rằng, anh đã quyên sinh để giải thoát cho cô. Quá đau buồn nên sau khi sinh con, cô cũng qua đời và hóa thành một cây chuối. Sau này một người Dao Tiền đi rừng đem về trồng không thấy cây chuối này đẻ chuối con mà chỉ thấy ra quả chín rồi tự chết đi, nên mới đặt tên là chuối cô đơn. Trên thực tế, loài chuối này được gọi với tên “cô đơn” bởi từ khi nảy mầm đến khi trổ buồng, nó nhất định không chịu đẻ cây con mà chờ đến lúc quả chín căng mọng, thân mẹ sẽ tự rũ mình chết héo, kết thúc một đời cây chuối cô quạnh. Anh Nguyễn Ngọc Thuận - Phòng Hợp tác Quốc tế, Vườn Quốc gia Xuân Sơn (tỉnh Phú Thọ) cho biết: Chuối cô đơn còn có tên gọi là chuối bạc hà. Cây được phân bố chủ yếu ở vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Cây chuối cô đơn có chiều cao 4-5m, đường kính gốc rất lớn, có thể lên tới 40cm nếu sinh trưởng ở nơi đất tốt. Thân, lá và cả hoa của cây chuối cô đơn có màu xanh cốm. Khi cây chuối cô đơn ra buồng thì quả được bao bọc hoàn toàn trong bao hoa. Chuối cô đơn còn có tên gọi là chuối bạc hà. Quả chuối cô đơn to như chuối phấn, khi chín có màu vàng cam, khá ngọt và có nhiều hạt to như hạt ngô, ở trong có nhân. Mỗi buồng chuối cô đơn có khoảng trên một trăm quả. Tuổi thọ của cây chuối cô đơn khoảng hơn một năm. Nếu thời tiết lạnh và cây chuối cô đơn sinh trưởng chậm thì có thể kéo dài tới 2 năm. Khi trổ hoa và quả chín vàng là lá rũ xuống và cây chuối cô đơn tự chết. Những người dân địa phương cho biết, trước đây, thân, cây và hoa, quả của cây chuối cô đơn này thường được bà con sử dụng để làm rau ăn hàng ngày. Không những thế, cây chuối cô đơn còn được sử dụng làm thuốc, cây chuối cô đơn có công dụng để chữa rất nhiều bệnh như: Sỏi thận, phù thũng, viêm loét dạ dày, đường ruột... Tùy vào những căn bệnh khác nhau mà thầy thuốc sẽ lấy những bộ phận trên cây chuối cô đơn để trị bệnh. Cách bốc thuốc cũng rất đơn giản. Tuy nhiên, nghiên cứu và kết luận chính thức từ các nhà khoa học về tác dụng chữa bệnh của loài cây chuối cô đơn này thì hiện vẫn chưa có. Hiện tại, chuối cô đơn không còn nhiều vì khi quả chín và rụng xuống đất, phần lớn chúng bị đàn chim rừng tìm đến ăn hết và hạt chuối khá giòn, dễ vỡ khi bị nhai nuốt nên việc nhân giống tự nhiên tương đối khó khăn. Ở Xuân Sơn chỉ có một ít cây chuối cô đơn trong rừng tự nhiên và vườn nhà một số người dân địa phương do nhân giống được. Để bảo vệ nguồn giống của loài chuối cô đơn đặc biệt này, cán bộ, nhân viên thuộc Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã lên rừng di thực xuống khuôn viên của Vườn. Theo Dân Việt / Khoa Học