Hiện thực kinh hoàng nào sẽ xảy ra trên trái đất, nếu toàn bộ nhân loại bất ngờ biến mất chỉ sau một đêm? Điều đó sẽ được hé lộ trong đoạn video ấn tượng sau đây. Cơ sở hạ tầng sụp đổ Có hằng sa số viễn cảnh tương lai về sự tuyệt diệt của nhân loại. Nếu một loại virus nào đó gây nên đại dịch toàn cầu, khiến con người “bay màu” khỏi hành tinh một cách nhanh chóng, thành phố có đông người sinh sống sẽ là nơi chịu nhiều thay đổi nhất. Một khu đất bị cây xanh xâm lấn sau khi rơi vào tình trạng bỏ hoang sau nhiều năm. (Ảnh: William Widmer/The New York Times). Theo nghiên cứu của nhà nghiên cứu Weisman, không có người vận hành giao thông, điều tiết lượng nước ngầm hay cống thải thành phố, hệ thống tàu điện ngầm như ở London hay New York có nguy cơ bị nhấn chìm hoàn toàn chỉ trong 36 tiếng. Các nhà máy lọc dầu, nhà máy hạt nhân nếu không được giám sát thường xuyên sẽ dẫn đến hỏa hoạn, nổ lò phản ứng và giải phóng chất phóng xạ cực kỳ nguy hiểm. Tương tự, hệ sinh thái mà con người chỉ mới học cách trân trọng sẽ bị kéo theo rồi chết bởi núi rác thải nhựa không thể phân hủy. Hệ thống giao thông công cộng ở các thành phố sẽ sụp đổ chỉ sau 1 ngày. (Ảnh: iStock). Thiên nhiên, cây cối bắt đầu xâm lấn vào công trình kiến trúc khiến toàn bộ kết cấu hạ tầng sụp đổ, sau đó bị thay thế bởi những khu rừng già. Điều này gây ra sự tích tụ một lượng khổng lồ lá cây khô và vật chất dễ cháy. Ông Weisman cho biết: “Hỏa hoạn từ sấm sét sẽ tạo ra rất nhiều tàn tro là chất nuôi dưỡng sự sống sinh vật. Các đường phố sẽ biến thành những cánh đồng và rừng rậm chỉ trong vòng 500 năm”. Đáng chú ý, “Những công trình tồn tại lâu nhất là những công trình được kết cấu từ vật chất không phải nhân tạo, ví dụ như những công trình kiến trúc bằng đá. Lúc này, những ụ đất và đá tảng đồ sộ sẽ trở thành biểu tượng riêng của hành tinh thay thế cho phiên bản nhà chọc trời mà con người đã xây dựng". Đa dạng tự nhiên sẽ hồi phục Côn trùng, lớp sinh vật có số lượng lớn nhất hành tinh, khi không còn con người kiểm soát, sử dụng thuốc trừ sâu sẽ phát triển mạnh mẽ nhất. Theo đó, một chuỗi phản ứng sẽ xảy ra trong hệ sinh thái: thực vật sinh sôi rồi đến số lượng các loài chim cũng tăng lên. Các nhà khoa học dự đoán tỷ lệ diệt vong của con người là 1/14.000. (Ảnh: iStockphoto). Sự chuyển đổi này sẽ dẫn đến sự gia tăng đa dạng sinh học trên quy mô toàn cầu. Mô hình hóa sự đa dạng của các loài động vật lớn - như sư tử, voi, hổ, tê giác và gấu - trên khắp hành tinh, giới khoa học tiết lộ rằng thế giới cũng từng rất phong phú. Nhưng, điều đó đã thay đổi khi con người bắt đầu bành trướng, săn bắt và xâm chiếm môi trường sống của chúng. Søren Faurby, giảng viên môn vĩ mô và tiến hóa vĩ mô tại Đại học Gothenburg, Thụy Điển, giải thích: “Khi con người di cư khỏi châu Phi và Á-Âu để đến các khu vực khác trên thế giới, tỷ lệ tuyệt chủng ở động vật tại nơi đó cũng tăng lên đều đặn”. Thế giới từng rất đa dạng sinh học cho tới khi con người xuất hiện. (Ảnh: National Geographic). Ông nhấn mạnh thêm: “Nếu không có tác động nặng nề của loài người, miền trung Hoa Kỳ và các vùng của Nam Mỹ hiện nay, sẽ là những nơi giàu động vật lớn nhất trên Trái Đất. Động vật như voi phổ biến ở quần đảo Địa Trung Hải. Thậm chí còn có cả tê giác sống ở châu Bắc Âu”. Faurby cùng đồng nghiệp của ông đã tính toán ngay cả khi loài người biến mất, vẫn phải mất hàng triệu năm để hành tinh phục hồi sau sự tuyệt chủng của nhiều loài trước đó. “Ước tính sẽ mất khoảng từ 3 đến 7 triệu năm hoặc hơn để quay trở lại mốc thời điểm trước tuyệt diệt của các loài vật”, Jens-Christian Svenning, giáo sư vĩ mô và địa lý sinh học tại Đại học Aarhus, Đan Mạch cho biết. Đoạn phim dưới đây cho thấy một chuỗi các sự kiện sẽ xảy ra, nếu ngày tận thế bất ngờ ập tới. Video bắt đầu với câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả mọi người biến mất khỏi hành tinh này? Thiên nhiên luôn tìm ra cách Trong thế giới viễn tưởng, thiên nhiên lại có thể phục hồi sự đa dạng vốn có nhưng những tác động biến đổi khí hậu kích hoạt bởi loài người là không thể xóa nhòa. Các vụ nổ giếng dầu, khí đốt rò rỉ khi con người không còn kiểm soát sẽ giải phóng vào không trung một lượng lớn CO2. Dù CO2 sẽ không tồn tại trong không khí vĩnh viễn do được đại dương hấp thụ, nhưng "bể chứa" này không phải là không đáy. Đến một điểm nào đó, nước biển sẽ bị axit hóa do lượng khí thải dư dẫn đến các loài sinh vật sống trong môi trường bị đầu độc. Chernobyl, một trong những nơi bỏ hoang lớn nhất thế giới. (Ảnh: CNTraveller). Lượng CO2 trong bầu không khí hiện nay phải mất hàng nghìn năm mới tan biến thậm chí tới 100.000 năm theo cuốn sách của ông Weisman. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ một luận điểm thắp lên hy vọng cho nhân loại, đó là lượng CO2 trong khí quyển vào kỷ Jura còn cao gấp 5 lần, nhưng vẫn có những loài sinh vật biển đối phó để sống sót. Ý nghĩa mà ông nhắc đến là dù khí hậu có khắc nghiệt thế nào thiên nhiên vẫn tìm ra cách tồn tại, động thực vật vẫn có thể thích nghi để rồi tiến hóa thành một phần cao cấp hơn của hành tinh. Một suy nghĩ về tương lai thoáng qua trong trí óc cũng đủ giúp ai đó lưu tâm hơn đến hành động bản thân trong hiện tại. Bảo tồn địa vị trên hành tinh là nỗ lực không ngừng nghỉ của loài người từ thuở khai thiên lập địa. Theo Khoa Học