Thân cây rỗng ở Trinity, bang Texas, bốc cháy ngùn ngụt dù bên ngoài hay cạnh đó không có đám cháy nào xuất hiện. Video về hiện tượng lạ thu hút gần 20 triệu lượt xem khi So Fain đăng lên mạng xã hội, Newsweek đưa tin. Việc lửa bốc lên trong thân cây dù bên ngoài không bị cháy nhiều hoàn toàn có thể xảy ra, theo Đại học Mở rộng Hợp tác California. Đây là một hiện tượng hiếm gặp và thú vị từng được giới khoa học nghiên cứu. "Video ghi lại một hiện tượng hiếm gặp và thú vị từng được giới khoa học nghiên cứu. Có thể sau khi sét đánh, ngọn lửa âm ỉ dần dần khoét rỗng cây và vươn lên trên. Quá trình này tạo ra một ống khói tự nhiên bên trong thân, sau đó lửa bùng lên và cháy nhanh hơn", giáo sư Guillermo Rein, chuyên gia về khoa học lửa tại Học viện Hoàng gia London, giải thích. Các nhà khoa học đưa ra 2 cách lý giải việc cây cháy từ bên trong như sau: Cách lý giải thứ nhất Hiện tượng thân cây cháy cũng có khả năng liên quan đến nấm mật ong, hay nấm Armillaria, theo Scott Stephens, giáo sư về khoa học lửa tại Đại học California, Berkeley. Đây là loài ký sinh ăn cây, khiến thân rỗng bên trong còn bên ngoài thì khô giòn. Điều này khiến cây dễ tổn thương trước những ngọn lửa hình thành do cháy rừng, sét đánh hoặc hoạt động của con người. Nếu lửa tiến vào trong khoang rỗng, cây có thể cháy vài ngày rồi cuối cùng đổ sụp, Stephens cho biết. Cách lý giải thứ hai Theo chuyên trang khoa học ScienceAlert: Khi tia sét đi qua thân cây, phần gỗ bên trong lại là chất dẫn điện tốt hơn (ẩm ướt hơn), khiến nhiệt độ tăng lên gần bằng nhiệt độ sôi. Nhiệt độ và áp suất bên trong có thể làm thân cây phát nổ, tạo nên nhiều vết nứt dọc từ trên xuống dưới. Trong điều kiện khô ráo, đám cháy có thể lan rộng. Tuy nhiên, nếu bên ngoài đang mưa hoặc quá ẩm ướt, ngọn lửa sẽ tiếp tục cháy âm ỉ bên trong thân cây rỗng - có thể kéo dài liên tục trong nhiều ngày. Theo VNExpress / Khoa Học