Carl Sayer, giáo sư tại Đại học College London (UCL), bắt gặp loài cây có hoa màu trắng phớt hồng khi tới khảo sát tại một ao nước bỏ hoang ở Heydon, hạt Norfolk, Anh, BBC hôm 28/11 đưa tin. Chuyến khảo sát diễn ra không lâu sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc đợt 1 kết thúc. Sayer chưa từng nhìn thấy loài cây nào như vậy nên đã nhanh chóng chụp ảnh và gửi cho tiến sĩ Jo Parmenter, một nhà thực vật học địa phương. Parmenter rất vui mừng khi nhận được bức ảnh và xác định đây là Lythrum hyssopifolia, một trong những loài cây hiếm nhất ở Anh. "Tôi không ngờ có thể thấy nó ở Norfolk, thật kỳ diệu", bà chia sẻ. Cây Lythrum hyssopifolia với hoa màu trắng phớt hồng. (Ảnh: Tim Pankhurst). "Cây hoa thực sự khá đẹp. Chúng tôi chỉ tìm thấy một ít cây trong ao nhưng hy vọng có thể trồng thêm và phát triển vì giờ chúng tôi đã biết chúng mọc ở đó", Sayer nói. Lần cuối cùng các chuyên gia bắt gặp Lythrum hyssopifolia ở Norfolk là hơn 100 năm trước. Tại những khu vực khác thuộc Anh, họ chỉ tìm thấy một số cụm mọc tách biệt quanh ao hồ và vùng bùn lầy. Ao nước tại Heydon từng là một ao nước nông trại nhưng đã bị bỏ hoang. Các hạt giống của cây chôn vùi trong bùn giống như "hộp thời gian". "Ở đó không có oxy và cực kỳ tối, rất lý tưởng để bảo quản hạt giống", Sayer cho biết. Khi các chuyên gia tới dọn dẹp nhằm phục hồi ao nước, bùn bị khuấy động và ánh sáng lọt qua, giúp hạt giống nảy mầm. Sayer là thành viên của Tổ chức Nghiên cứu Phục hồi Ao hồ thuộc UCL. Vài thế kỷ trước, có hàng nghìn ao nước nông trại ở Norfolk. Tuy nhiên, nhiều ao đã bị bỏ hoang và trở thành "ao nước ma". Phát hiện mới cho thấy những thực vật được cho là tuyệt chủng có thể hồi sinh nhờ nỗ lực bảo tồn hiệu quả, Sayer nhận xét. Có khả năng còn những cụm cây khác ở Norfolk mà giới chuyên gia chưa phát hiện, theo Helen Greaves, nhà nghiên cứu tại UCL. Greaves chia sẻ, việc tìm thấy Lythrum hyssopifolia có thể khiến dự án phục hồi ao bỏ hoang ở Norfolk được chú trọng hơn. 2020 là một năm tuyệt vời trong lĩnh vực nghiên cứu thực vật với nhiều phát hiện độc đáo, Parmenter nhận xét. Bà cho rằng một phần nguyên nhân là đại dịch khiến nhiều người chỉ đi dạo gần khu vực sống. "Tôi nghĩ điều này dạy cho chúng ta nắm được giá trị của thực vật địa phương cũng như những loài kỳ lạ hay ngoại lai", bà nói. Theo Vnexpress