"Cây tù tội" trở thành điểm du lịch nổi tiếng trong nhiều thập niên nhờ câu chuyện truyền miệng thân cây rỗng khổng lồ là nơi giam giữ thổ dân. Đó là một cây baobab 1.500 năm tuổi ở phía nam thị trấn Derby, Western Australia (WA). Cây đại thụ này có phần thân rỗng khổng lồ, với đường kính hơn 15,2m. Ngoài thân cây có một khe hẹp mở lối vào bên trong. Khách du lịch hiếu kỳ với cây baobab của Derby. (Ảnh: Philiphist). Câu chuyện đầu tiên về "cây tù tội" Derby xuất hiện vào những năm 1940. Vào thời đó, Vlase Zanalis, một danh họa WA, đi cắm trại ở vùng Kimberley và đặc biệt hứng thú với những cái cây baobab. Một trong những bức vẽ của ông họa lại một "cây tù tội" ở thị trấn Wyndham cách Derby gần 500km. Một bài báo năm 1949 đưa tin về cuộc triển lãm của Zanalis đã đề cập đến tác phẩm này, song lại chú thích sai lệch rằng nó là một cây baobab tại Derby - từng được dùng để nhốt tù nhân thổ dân vào những năm 1890. Từ đó, "cây tù tội" Derby trở thành một điểm du lịch nổi tiếng trong nhiều thập niên. Không chỉ vậy, nó còn có tên trong danh sách di sản được bảo vệ của bang Western Australia. Bức tranh của Vlase Zanalis mang tên Boab Prison Tree Wyndham, bị chú thích sai lệch trong một bài báo năm 1949. (Ảnh: ABC). Đến những năm 1960, một series phim tài liệu cho thấy giới chức địa phương ở Derby nhận thức rõ cây baobab 1.500 tuổi của thị trấn không phải nơi dùng để giam thổ dân, nhưng họ không thể phủ nhận giá trị du lịch của nó. Jenny Kloss, quản lý của Trung tâm Du khách Derby, xác nhận cây baobab không phải "cây tù tội". "Nó chính là điểm tập kết cuối cùng trước khi đến nhà tù chính thức. Họ không thực sự bị nhốt bên trong thân cây, nhưng bị xích vào những cây xung quanh", Kloss nói và không bình luận gì thêm về việc chính quyền có nên đổi tên cho cây hay không. Tiến sĩ Elizabeth Grant từ Đại học Adelaide cho rằng, thông tin thiếu chính xác và sức nóng của ngành "du lịch đen" càng thêu dệt nên bức màn bí ẩn quanh cái cây. Trong đó, du lịch đen là hoạt động khám phá những điểm đến liên quan đến chiến tranh, chết chóc hay tội ác, phổ biến nhất là bãi chiến trường, nhà tù và tòa án. Học giả này khẳng định, tới nay chưa có bằng chứng nào đủ mạnh mẽ để xác thực câu chuyện trên. Bà lên án phương thức quảng bá du lịch như trên, bởi thông tin sai lệch không phản ánh bất kỳ chi tiết nào về câu chuyện thổ dân Australia đã bị cướp mất đất đai như thế nào. Ngoài ra, baobab vốn là loài cây linh thiêng của thổ dân, được coi như những cá thể mang tính cách riêng. Và cây baobab 1.500 tuổi ở Derby không phải ngoại lệ, khi thổ dân chọn nó là nơi cất giữ hài cốt tổ tiên. Những thông tin này cũng không hề được đề cập đầy đủ trên bảng hiệu gần cây. Tiến sĩ Grant hy vọng những nghiên cứu trong tương lai có thể tìm ra manh mối về hài cốt trong thân cây, và khẳng định cây baobab này cần được xem như một địa điểm linh thiêng - thay cho câu chuyện sai lệch về nhà tù thổ dân. "Cây tù tội" nằm bên đường cao tốc Derby, cách sân bay và thị trấn vài km. Một hàng rào được dựng quanh gốc cây để ngăn du khách không đến quá gần, bởi nhiều người từng khắc tên hay vẽ graffiti lên thân cây - điều này đã bị cấm. Du khách được cảnh báo có rắn sống quanh cái cây. Theo VNExpress