1. Sauerampfer (có tên gọi tiếng Anh là Sorrel hay còn gọi là cây me chua, rau chút chít) Đây là một loại gia vị đặc sản trong ẩm thực Pháp có lá xanh mềm dài 20 cm, rất giàu vitamin C. Nó thường mọc trên những đồng cỏ ẩm ướt, khoảng trống trong rừng, lề đường hoặc thậm chí trong khu vườn của chính bạn. Các thủy thủ thời Trung Cổ ở Châu Âu thường hay sử dụng loại "cỏ" này cho món salad, súp hoặc chế thành nước sốt hay ăn trực tiếp với cá. Sauerampfer (cây me chua) đặc biệt ngăn ngừa bệnh scurvy (xuất huyết dưới da do thiếu vitamin C). Ngoài ra, nó còn chứa vitamin A, sắt, magiê và kali giúp hỗ trợ tiêu hóa, thanh lọc máu và chữa các bệnh về da. 2. Bồ công anh Bồ công anh thường mọc trên những đồng cỏ và cánh đồng đầy nắng, ánh sáng. Nó chứa nhiều vitamin C, vitamin A, K, magie và cung cấp 10% lượng canxi cho cơ thể người. Bồ công anh được cho là có tác dụng chống viêm và kích thích sự thèm ăn, trao đổi chất và tiêu hóa, thanh lọc gan, trị bệnh tiểu đường, giàu chất oxy hóa, cung cấp nhiều chất xơ, lợi tiểu, ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Chúng ta có thể dùng rễ và hoa để nấu trà, dùng thân cây để làm nước sốt kết hợp với ngò, lá có thể kết hợp làm salad, hoặc gia vị cho món mỳ ống và hải sản. 3. Cỏ leo Cỏ leo thường mọc vất vưởng ở các đồng cỏ, trên các bờ đê, các bãi đất bỏ hoang, các bờ tường… Ít ai nghĩ rằng cỏ leo có chứa vitamin A và B, silica (hợp chất hóa học rất tốt cho da), saponin (một Glycosyd tự nhiên thường gặp trong nhiều loài thực vật, đặc biệt là sâm), kali và sắt. Rễ cỏ leo có thể được nghiền thành bột gia vị cho món ăn, hoặc nấu thành trà uống lợi tiểu, chống viêm, thanh lọc cơ thể. 4. Cây tầm ma Cây tầm ma là thể cây bụi thường mọc ở những mảnh đất bồi giàu ni-tơ và chất dinh dưỡng. Lá và thân cây tầm ma rất bổ dưỡng vì chứa lượng canxi gấp năm lần so với cải xoăn cùng nhiều vitamin C, vitamin A, magiê, sắt và phốt pho hơn rau chân vịt. Cây tầm ma có tác dụng lợi tiểu nên vì thế được coi là thuốc chữa nhiễm trùng bàng quang. Ngoài ra cây tầm ma còn có trong các vị thuốc chữa chứng huyết áp cao, viêm mũi dị ứng, yếu sinh lý… Chiết xuất cây tầm ma có thể thoa trực tiếp lên da giúp giảm đâu khớp, đau cơ bắp, cải thiện độ săn chắc của các mô cơ. Lá của cây tầm ma có thể ăn được trực tiếp, trộn salad, ăn kèm với mỳ dẹt hoặc nấu súp cùng khoai tây, cá, thịt hay thậm chí được cho cả vào món bánh pancake. 5. Cỏ tinh thảo Chickweed Chickweed (Stellaria media) là một loại cỏ dại cực kỳ khỏe mạnh có hoa thuộc họ Cẩm Chướng, thường mọc trên các cánh đồng bỏ hoang hoặc lề đường. Chickweed được ăn chín hay ăn như salad, đặc biệt thơm ngon khi trộn với cá hoặc măng tây thêm ít nước cốt chanh, dầu, muối và hạt tiêu. Chickweed thường ra hoa vào khoảng tháng năm với những cánh hoa nhỏ màu trắng. Nó cao tới 50 cm, mỏng manh với thân thảo màu xanh lá cây, giàu vitamin A, B và C, và axit béo Omega 6. Từ thời cổ đại nó đã được sử dụng như một thuốc mỡ để bôi hoặc thuốc đắp để điều trị tình trạng da bị ngứa. Ngoài ra, nó còn được sử dụng trong điều trị ho, viêm khớp dạng thấp, bệnh vẩy nến, loét dạ dày và như một "chất làm sạch máu". Chickweed có những kết nối thú vị về lịch sử và văn hóa. Nó là một trong bảy loại thảo dược được dùng nấu cháo vào mùa xuân tại Nhật Bản. 6. Rau hay cỏ dại Giersch (tạm dịch là rau ngáp) Giersch thường mọc ở trên mọi con đường, rìa cánh đồng, thậm chí nhiều vô số kể trong vườn nhà. Nó chứa vitamin C cao bất thường, nhiều kali, sắt và các khoáng chất khác. Giersch chủ yếu là tăng cường miễn dịch và tránh tình trạng mất nước. Nó có mùi vị lai giữa cà rốt và mùi tây, lá thường được sử dụng làm gia vị thêm cho món bơ sữa, nước sốt mayonnaise, súp kem và các món ăn khác. 7. Cỏ thi (hay còn gọi là cúc vạn diệp, dương kỳ thảo) Gundermann Cỏ thi (Yarrow) thường được mọc trên những con đường cằn cỗi, đồng cỏ, bờ kè, hoặc trên sỏi đá. Nó chứa rất nhiều tinh dầu, chất đắng, protein, nhựa, inulin (chất quan trọng cho hệ tiêu hóa, sức đề kháng…), kali và đồng. Từ thời xa xưa, người Hy Lạp cổ đại đã dùng loại thảo mộc này để điều trị các vết thương ngoài da. Hoa và lá Yarrow được dùng để ăn và pha trà có tác dụng làm dịu, thư giãn, giảm các cơn đau đầu và đau nửa đầu liên quan đến thời tiết.. Lá Yarrow tươi dùng để cầm máu vết thương, điều trị các vấn đề về tiêu hóa, chữa sốt, giảm chảy máu kinh nguyệt, kích thích tuần hoàn và chữa đau nhức răng. Trong Y học Trung Quốc, người ta tin rằng Yarrrow có thể tác động đến thận, lá lách và các kênh năng lượng trong cơ thể. Lá non được dùng để chế biến cả trong muối thảo dược, cho vào bột mì hoặc bơ thảo mộc. Hoa được dùng trong các món rau trộn hoặc thả vào nước chanh làm đồ uống rất mát. 8. Cỏ Gundermann Loại cỏ này thường mọc ở bìa rừng và trên những đồng cỏ ẩm ướt, nổi bật với lớp hoa màu tím. Nó có chứa vị đắng và nhiều tinh dầu nên rất hay được sử dụng làm gia vị hoặc chế biến thành nước sốt để chấm các món luộc hoặc rưới lên bánh crepe. Loại cỏ dại này theo truyền thống là 1 trong 9 loại thảo mộc bắt buộc phải xuất hiện trên bàn trước Lễ phục sinh.